Iran bật đèn xanh cho khuôn khổ quản lý tiền điện tử
Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) đã phê duyệt khuôn khổ quản lý cho ngành công nghiêp crypto tại quốc gia này.
Theo các nguồn tin, việc ngân hàng phê duyệt ‘Khung chính sách và quản lý cho tiền điện tử’ đặt ngân hàng vào vai trò là cơ quan quản lý crypto tại quốc gia này, với trách nhiệm quản lý và cân bằng giữa việc giám sát và phát triển kinh tế.
Khuôn khổ nêu chi tiết về việc cấp giấy phép cho các nhà môi giới và đơn vị lưu ký tiền điện tử, do CBI giám sát. Ngân hàng cũng sẽ đảm bảo rằng các công ty này tuân thủ luật chống rửa tiền (AML), thuế crypto và chống tài trợ khủng bố (CTF).
Theo thống đốc CBI, Mohammadreza Farzin, ngân hàng sẽ hợp tác với các cơ quan như Bộ Tài chính và Kinh tế để tạo ra một khuôn khổ quản lý thân thiện cho lĩnh vực crypto.
Thống đốc CBI nêu chi tiết về lợi ích của tiền điện tử đối với Iran
Theo thống đốc CBI, Iran muốn sử dụng khuôn khổ quản lý tiền điện tử để tận dụng tiềm năng của các tài sản trong không gian này.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Abdolnasser Hemmati, cũng bày tỏ quan điểm tương tự, lưu ý rằng chính phủ không có ý định kìm hãm tiềm năng của không gian này. Hemmati cho biết:
“Những nỗ lực áp đặt các hạn chế đã thất bại. Thay vào đó, chúng tôi hướng đến việc quản lý rủi ro và tận dụng các lợi ích của chúng, bao gồm tạo thêm việc làm và tránh các lệnh trừng phạt”.
Hemmati cho biết thay vì nhìn vào khía cạnh tiêu cực, tốt hơn là nên xem xét tác động của crypto đối với nền kinh tế. Ông cũng kêu gọi sự hỗ trợ khi các cơ quan quản lý thực hiện nhiều động thái quan trọng để mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số của Iran. Hemmati cũng kêu gọi các bên liên quan đến tiền điện tử tạo ra một hiệp hội thống nhất giúp bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư đồng thời giúp đất nước mở rộng dấu ấn kỹ thuật số của mình. Ông ca ngợi đây là sự phát triển tích cực sẽ mang lại lợi ích cho đất nước và người dân muốn nắm bắt công nghệ mới.
Trong những năm qua, trước lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, Iran đã chuyển sang Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác. Với các lệnh trừng phạt hạn chế phạm vi tài chính, đất nước này đã mở cửa cho hoạt động khai thác crypto, mặc dù trong các điều kiện được quản lý chặt chẽ. Theo một số báo cáo, đất nước này coi hoạt động khai thác là cách để tạo ra thu nhập và thay đổi tình hình kinh tế theo hướng tốt đẹp hơn. Iran cũng đã cố gắng sử dụng tiền điện tử để thiết lập các mối thương mại quốc tế, bỏ qua các lệnh trừng phạt.
Iran phải đối phó với việc quản lý crypto và lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ
Ngành công nghiệp tiền điện tử tại Iran đã chịu sự giám sát của cơ quan quản lý như một phần của nỗ lực nhằm ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp. Nhiều người coi khuôn khổ mới nhất do chính phủ và ngân hàng trung ương nước này phê duyệt là động thái hướng tới việc tích hợp hệ thống tài chính của mình với các hệ thống khác trên toàn thế giới.
Iran đã hợp pháp hóa hoạt động khai thác crypto vào năm 2019, kêu gọi thợ đào quan tâm đăng ký giấy phép hoạt động. Chính phủ đã đưa ra các điều kiện nghiêm ngặt cho những nhà khai thác, bao gồm trả tiền điện cao hơn, cung cấp nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau và bán hầu hết tài sản khai thác được cho chính phủ. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm 2021, chính phủ đã yêu cầu những người khai thác ngừng hoạt động, với lý do hoạt động này có tác động tiêu cực đối với lưới điện quốc gia.
Vài tháng sau, chính phủ đã đảo ngược quyết định và bật đèn xanh cho phép những người khai thác tiếp tục hoạt động vào tháng 9 năm 2022.
Cũng trong năm 2022, Iran đã tạo ra khuôn khổ quản lý cho ngành công nghiệp crypto nhằm mục đích sử dụng tài sản kỹ thuật số để vượt qua các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, quốc gia này đã bị Hoa Kỳ trừng phạt do chương trình hạt nhân tại thủ đô Tehran của mình. Chính phủ đã đưa ra khuôn khổ quản lý vào ngày 29 tháng 8, vài tuần sau khi quốc gia này chấp thuận nhập khẩu ô tô trị giá 10 triệu USD bằng tài sản kỹ thuật số.
Trong khi quy định trước đây tập trung vào các hoạt động khai thác, thì quy định mới này trao cho ngân hàng trung ương quyền giám sát các hoạt động khác trên thị trường crypto.